Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

BÀI TẬP CƠ SỞ DỮ LIỆU TOÀN VĂN CỦA THƯ VIỆN TỈNH KHÁNH HÒA


Bài viết về Trường Sa

Bài 1

Theo dấu vạn lý Trường Sa trong các tư liệu cổ

(TuanVietNam) - Trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842, Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do một thuỷ thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”.
Tiến sĩ Luật học Nguyễn Hồng Thao là tác giả các cuốn sách:

-         Những điều cần biết về Luật Biển

-         Công ước Luật 1982 và chiến lược Việt Nam 2008.

-         Toà án công lý quốc tế

-         Toà án Luật Biển quốc tế

Trong kỳ trước chúng ta đã xem xét các hải đồ của các nhà hàng hải châu Âu và triều đình phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII thể hiện các đảo ngoài khơi miền Trung Việt Nam dưới cùng một tên gọi Paracels hoặc Dangereux Grounds, không phân biệt rõ đâu là Paracels đâu là Spratlys như chúng ta ngày nay.



Nhận thức và kỹ thuật bản đồ hạn chế thời đó của người An Nam và nước ngoài chưa cho phép phân biệt rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như ngày nay mà đơn giản gọi gộp chung chúng dưới tên gọi Paracels, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa để chỉ dãy cồn cát, đá ngầm dài hàng trăm dặm là mối đe doạ tiềm tàng cho người đi biển.

Ngay cả các sách Trung Quốc cũng ghi nhận cùng nhận thức như vậy.

Chúng ta có thể đọc được điều đó trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842 trong đó Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thuỷ thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”.


Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 quyển III đoạn thuật lại chuyến đi về Quảng Đông bắt đầu đi từ Quảng Nam viết:

“Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau ngày lập thu. Chừng ấy gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4,5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn.


Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn.


Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; Động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là "Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi.


Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Các quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào.


Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ gặp hiểm hoạ Trường Sa".

Đoạn văn mô tả này đã xác nhận việc hành xử chủ quyền của thời Chúa Nguyễn qua hoạt động thu lượm hoá vật của Đội Hoàng Sa.


Tuy các tài liệu và bản đồ nước ngoài thời kỳ này đều quy thuộc Paracels vào Cochinchine (Nam Kỳ) nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: vào thời điểm nào người ta mới phát hiện Paracels và Spratlys là hai quần đảo riêng biệt.

Theo nhiều tác giả chính các thuỷ thủ Anh, thường qua lại trên con đường giữa Malaca và Borneo, đã được coi là những người đầu tiên phân biệt các đảo, đá nhỏ này và đặt tên chúng.

Nước Anh đã từng đưa ra lý do này để yêu sách Spratlys. G. Marston trong bài "Abandonment of territorial claims: the cases of Bauvet and Spratly islands”, BYIL, 1986, tr. 351 (“Sự từ bỏ các yêu sách lãnh thổ: trường hợp của các đảo Bouvet và Spratlys”, Niên giám Luật quốc tế Anh năm 1986) đã nhắc lại sự kiện công hàm ngày 21/5/1930 của Toà Đại sứ Anh tại Paris, thừa lệnh Chính phủ họ truyền đạt lại Chính phủ Pháp rằng ông Graham, người Mỹ và các ông Simpson và James, người Anh đã đăng ký, vào năm 1877, tại thuộc địa Labuan, yêu sách của họ đối với đảo Trường Sa.

Ngày 13/12/1878, Chính phủ Anh đã thông báo cho Tổng Lãnh sự Anh tại Borneo rằng họ không có phản đối gì về việc đăng ký tại Tổng Lãnh sự tại Borneo yêu sách của ba công dân trên các đảo này cũng như việc họ kéo cờ Anh lên và do đó các đảo này thuộc lãnh thổ Anh quốc, trừ phi hoàng gia từ bỏ chúng một cách dứt khoát. Người Anh cũng khẳng định Tàu đánh cá voi của Anh Cyrus đã phát hiện ra Spratlys vào năm 1843.



Tuy nhiên đây đều là các bằng chứng dựa trên sự chiếm hữu cá nhân. Chính vì vậy, vào năm 1939, Chính phủ Anh đã chính thức thông báo không duy trì yêu sách chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.


Theo thông tin kể trên, chỉ vào đầu thế kỷ XIX, các nhà hàng hải mới phân biệt rõ hai quần đảo Paracels và Spratlys.

Năm 1993, tác giả bài này đã có dịp tiếp xúc với tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia Pháp, ký hiệu Mar. B 4/278, tr. 192-193 về cuộc khảo sát của Kergariou-Locmaria cùng bản đồ hành trình.

Căn cứ vào bản đồ và lời văn đây có nhẽ lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải, hai quần đảo này đã phân biệt rõ ràng.

“Tôi rời Macao ngày 29/4/1788, trời xanh, biển lặng. Tôi nghĩ rằng, khi đi cắt sẽ bị ngược gió và nước; nhưng khi bị dạt không ngờ tới về phía bờ biển Cochinchine (Nam Kỳ) ngày 8/5 ở khoảng cách mà tôi tìm kiếm nhóm đảo có tên Đuôi Rồng Scorpion, sau khi dứt khoát đã đi qua Paracels, do gió lặng, trời xanh, biển nước một màu, trong suốt đến đáy, không thấy các đá ngầm có ghi trên hải đồ…

Được khích lệ bởi thời tiết trời biển thuận hoà, tôi đã phát hiện ra một nhóm nhiều đảo chưa từng thấy trên bất kỳ hải đồ nào cả mới cả cũ, mà tôi đã quan sát các điểm chính trên hải trình của người Anh, tuy không theo kỹ. Tôi đã hoàn toàn dứt ra khỏi các đảo này khi tôi đi đến gần bờ biển của đảo Borneo…”.

Phát hiện này đã bị lãng quên và trong các sách báo vẫn ghi nhận người Anh là những người đầu tiên phát hiện và ghi tên quần đảo Spratlys lên bản đồ thế giới.

Thế nhưng sự kiện này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.

Trước năm 1843, rất nhiều bản đồ và tài liệu của phương Tây, Việt Nam và Trung Quốc đã ghi nhận chủ quyền của các đảo đó thuộc về Việt Nam.

Đại Nam Nhất Thống toàn đồ, in năm 1838 thời Vua Minh Mạng đã thể hiện rõ sự thật lịch sử theo đúng nhận biết của các nhà hàng hải thế giới thời kỳ đó.

TS. Nguyễn Hồng Thao

Bài 2


Sang xứ bò tót tìm dấu tích Hoàng Sa - Trường Sa

(TuanVietNam)- Tại Lưu trữ hải quân Hoàng Gia Tây Ban Nha, hiện đang lưu giữ bản đồ hàng hải Biển Đông do các nhà hàng hải và truyền đạo phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI. Trong đó, Hoàng Sa và Trường Sa giống như các bản đồ cổ dưới dạng một dãy đảo chạy dài hình lá cờ đuôi nheo ngoài khơi miền Trung Việt Nam, các đảo xung quanh được chú thích “Isle Pracel” và “Costa de Pracel” cho bờ biển đối diện.
Tháng 12/2004 trong một lần du lịch Tây Ban Nha tình cờ chúng tôi được gặp một người bạn cũ của Việt Nam- GS sử học Enrique Alvarez Cabal.



Ông là người đã từng xuống đường ở Madrit ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam, giúp đỡ Chính phủ và sứ quán ta rất nhiều trong làm cầu nối giữa các doanh nghiệp Tây Ban Nha và Việt Nam. Ở tuổi 70 ông đứng ra thành lập một công ty riêng lấy tên là Việt Nam để giúp các doanh nghiệp và công dân Tây Ban Nha muốn liên hệ hay tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.


Trong một quán bar mờ ảo giữa thủ đô Madrit đầy tuyết, chúng tôi vừa thưởng thức rượu vang đỏ Tây Ban Nha, các màn trình diễn đấu bò tót ly kỳ vừa hồi tưởng lại mối quan hệ lịch sử giữa hai dân tộc Tây Ban Nha và Việt Nam cách xa nửa vòng trái đất. Chợt ông reo lên phấn khởi: Tôi hay nghiên cứu lịch sử hàng hải của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tới các nước hải ngoại, tôi biết có nơi lưu trữ một tấm bản đồ giá trị về Hoàng Sa, Trường Sa của các bạn. Ngày mai chúng ta sẽ đi xem.


Nghe đến Hoàng Sa, Trường Sa nơi đất khách quê người, có người Việt nào mà không thấy bồi hồi. Mặc dù đây không phải là mục đích chuyến đi, chúng tôi chỉ mong đêm qua mau để được chứng kiến một bằng chứng mới về chủ quyền của người Việt.

Sáng hôm sau GS tự lái xe đưa chúng tôi đi tìm Lưu trữ hải quân Hoàng gia Tây Ban Nha ở ngoại ô Madrit. Đó là một khu vực không dân, được canh phòng nghiêm ngặt và nếu không có sự quan hệ rộng rãi và nổi tiếng của GS Cabal thì chắc những người ngoại quốc như chúng tôi khó có thể vào đây.


Nghe nói đến Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, các nhân viên ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ. Họ bê ra những bản catalog dày cộp để tra cứu. Nhưng đến ngày thứ hai cũng chẳng tìm thấy đâu. Thất vọng định ra về, chợt thấy trong đống bản đồ cũ nát mang ra cuối cùng dòng chữ Cochinchina Pilot và những phác thảo trên giấy can là các đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Chúng tôi muốn reo lên mà cổ như nghẹn lại. Bản đồ Biển Đông do nhà xuất bản Luân đôn in năm 1791 – A new chart of the China Sea with its several entrances, printed for Robert Sayer, London năm 1791 (Xin xem hình kèm theo) thể hiện quần đảo Paracels nằm trong hình cờ đuôi nheo ghi rõ according to the Draft of Cochinchina Pilot 1764 (vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764).


Tài liệu này chứng tỏ trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và thừa nhận quần đảo này thuộc An Nam.



Lịch sử là sự thật



Ngay từ thế kỷ XVI, các bản đồ hàng hải Biển Đông do các nhà hàng hải và truyền đạo phương Tây vẽ đã thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay giống như các bản đồ cổ của An Nam dưới dạng một dãy đảo chạy dài hình lá cờ đuôi nheo ngoài khơi miền Trung Việt Nam, bên ngoài các đảo ven bờ, với chú thích “Isle Pracel” và “Costa de Pracel” cho bờ biển đối diện.


Chúng ta có thể so sánh bản đồ dạng đơn giản của Đỗ Bá (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư" - 1686), và của Lê Quý Đôn ("Phủ biên tạp lục" – 1776, Đại Nam Nhất thống toàn đồ 1838 của triều Nguyễn với Bản đồ biển Nam Trung Hoa do nhà hàng hải danh tiếng người Hà Lan Henricus Van Langren vẽ năm 1595; Và bản đồ của Công ty Đông ấn (Indiae Orientalis Nova Descriptio) vẽ 1633 hay Bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ của giáo sỹ Jean Louis Tabert ghi tên Paracel Seul Katvang 1838 đã được nêu trong sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam 1979 để thấy được điều đó.

Giá trị của bản đồ còn lưu giữ ở Tây Ban Nha so với các bản đồ đã biết là dòng chữ Cochinchina (Nam Kỳ) được ghi ngay dưới tên Paracels minh chứng rõ ràng mảnh đất này thuộc về An Nam từ rất sớm chứ không phải như sách báo Trung Quốc nói thuộc về họ từ thế kỷ thứ II trước CN.


Hơn nữa đây là bản đồ chuyên ngành hàng hải, đính kèm Hàng hải chỉ nam vùng biển An nam chứ không phải bản đồ địa lý thông thường. Hình vẽ các nhóm đảo paracels cũng chi tiết hơn, thể hiện sự kéo dài của quần đảo quá vị trí Hoàng Sa ngày nay, đối xứng với Cam Ranh, Sài Gòn và khoảng cách xa bờ hàng trăm hải lý nên không thể coi đó là sự thể hiện các đảo ven bờ Việt Nam như một số lập luận nguỵ biện.

Các hiểu biết này giống với các hiểu biết của người Việt xưa, những người đã khám phá và cai quản Paracels, và phù hợp với kỹ thuật hàng hải hải đồ lúc đó.

Các bản đồ Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, A rập thế kỷ XVII đều có nội dung tương tự. Chỉ từ giữa thế kỷ XIX, người ta mới phân tách Paracels thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy nhiều dân tộc khác đã nhận biết về sự tồn tại của Bãi Cát vàng thuộc Việt Nam.


Đánh giá chúng thuộc về các nhà nghiên cứu. Đối với chúng tôi, đây là một trong những bản đồ đầu tiên của phương Tây ghi nhận rõ nhất mối liên hệ giữa An Nam và Hoàng Sa từ rất sớm. Nó cũng thể hiện tấm lòng của những người bạn Tây Ban Nha, những người bạn ngoại quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Sự thật trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử vẫn là sự thật..


TS Nguyễn Hồng Thao
http://tamgiang.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét